Hiển thị các bài đăng có nhãn FPT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn FPT. Hiển thị tất cả bài đăng

Hơn 12.000 lượt kích hoạt ứng dụng Hi FPT có gì đặc sắc?

12.000 lượt  khách hàng ngay tuần đầu tiên Hi FPT trình làng

>> Hi FPT ứng dụng quản lý dung lượng, báo sự cố mạng
Với khoảng 1.000 hóa đơn được trả ngay trên điện thoại di động. FPT Telecom cũng sắp cập nhật phiên bản mới với nhiều tính năng hữu ích.
Sau hơn một tuần ứng dụng Hi FPT được trình làng lên hai nền tảng iOSAndroid, hệ thống ghi nhận hơn 12.000 lượt khách hàng đã tải và kích hoạt. Hệ thống cũng ghi nhận hơn 1.000 hóa đơn được người dùng thanh toán qua Smartphone. Đồng thời ghi nhận nhiều trường hợp báo bảo trì dịch vụ và được xử lý nhanh chóng trong vòng một giờ.
Các tính năng của ứng dụng Hi FPT
Ứng dụng mới được FPT Telecom cung cấp dành riêng cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ của đơn vị, đặc biệt là Internet và Truyền hình FPT. Với Hi FPT, người dùng có thể kiểm tra tốc độ download, upload cũng như số lượng kênh HD, SD được xem trên Truyền hình FPT.
Khách hàng cũng có thể quản lý và đóng cước phí bằng các loại thẻ tín dụng, ATM hoặc các ví điện tử OnePay, Ngân lượng, Bảo Kim, Payoo ... Phần lớn ngân hàng ở Việt Nam cũng được app hỗ trợ thanh toán ngay trong giao diện của Hi FPT. Đặc biệt tính năng báo hỏng và theo dõi sửa chữa cho phép khách hàng kiểm soát tốt hơn việc kỹ thuật viên đến nhà khắc phục thay vì phải liên tục gọi điện lên tổng đài.

Tác vụ báo hỏng hữu ích cho người dùng

Với tính năng báo hỏng, người dùng có thể báo hỏng cho cả dịch vụ Internet lẫn dịch vụ Truyền hình FPT. Sau khi FPT Telecom tiếp nhận sự cố của khách hàng, ứng dụng sẽ thông báo về tính hình cũng như gửi Notification cho kỹ thuật viên đến bảo trì.
Thậm chí, người dùng còn có thể theo dõi kỹ thuật viên đến nhà mình là ai, tên gì, số điện thoại, hay biết luôn cả nhóm chịu trách nhiệm xử lý và ai là tổ trưởng. Bảo trì xong, khách hàng sẽ đánh giá bằng thang điểm cho kỹ thuật viên giống như đánh giá tài xế Uber.

Sắp tới đơn vị sẽ cập nhật phiên bản mới để bổ sung nhiều tính năng hữu ích.

Độc giả có thể tải ứng dụng cho hai nền tảng iOSAndroid tại đây.

Thoái vốn tại mảng phân phối bán lẻ, lợi nhuận FPT 2016 đứng yên

FPT hoàn thành thoái vốn mảng phân phối & bán lẻ vào cuối 2016?

FPT khẳng định sẽ hoàn thành thoái vốn vào cuối năm nay.
FPT đã hoàn thành việc lập hồ sơ đánh giá năng lực, cung cấp hồ sơ đến các đối tác tiềm năng và đang tiến hành tiếp xúc với các đối tác quan trọng trên thị trường. Thương vụ được FPT thông báo sẽ chốt vào cuối năm nay và đây sẽ là yếu tố chính tác động đến giá của cổ phiếu trong giai đoạn cuối năm 2016 trong bối cảnh kết quả kinh doanh của FPT chưa có nhiều chuyển biến so với năm ngoái. FPT sẽ thoái vốn tại FPT Trading - đơn vị phụ trách mảng phân phối thiết bị CNTT và điện thoại, cùng với FPT Retail - đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ FPT Shop với thị phần đứng thứ 2 chỉ sau chuỗi thegioididong. FPT đã ký hợp đồng tư vấn với công ty Nomura của Nhật và CTCP Chứng khoán Bản Việt để thực hiện thương vụ này vào tháng 3/2016.

Hai mục đích chính của đợt thoái vốn lần này.
Mục đích thứ nhất của FPT là để tìm các đối tác mạnh về kinh tế và có kinh nghiệm về làm thương mại để mở rộng chuỗi kinh doanh, do đó tỷ lệ thoái vốn tối thiểu của FPT là 51%, mức vừa đủ để kết quả kinh doanh 2 mảng này không hợp nhất vào báo cáo tài chính. Mục đích thứ hai, đó là nguồn tiền mang lại từ thương vụ sẽ giúp FPT có thể thực hiện các kế hoạch tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, cụ thể là M&A trong lĩnh vực phần mềm và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom, yếu tố mà chúng tôi đánh giá sẽ mang lại sự phát triển mạnh của công ty trong dài hạn. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý trong ngắn hạn việc thoái vốn sẽ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của FPT trong các năm tới bởi LNTT từ 2 mảng này hiện chiếm khoảng 20% tổng LNTT của tập đoàn. 

Kế hoạch mua lại FPT Telecom

Thương vụ nếu có thể sẽ được thực hiện trong năm 2017.
Hiện SCIC đang sở hữu hơn 50% tại FPT Telecom và đây cũng là doanh nghiệp mang lại cho SCIC lượng tiền cổ tức lớn và ổn định thứ hai chỉ sau Vinamilk. SCIC đã công bố danh sách các doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn trong năm 2016 trong đó không xuất hiện FPT Telecom, do đó thương vụ này nếu có sẽ được thực hiện trong năm 2017. Lộ trình và giá bán cổ phần tại FPT Telecom sẽ còn phụ thuộc nhiều vào SCIC, tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây vẫn là cơ hội đầu tư tốt nhất của FPT trong thời điểm hiện tại. 

Tiền mua FPT telecom sẽ được tài trợ từ việc thoái vốn FPT trading và FPT retail.
Với lượng tiền có thể thu được từ thương vụ thoái vốn tại FPT Trading và FPT Retail, FPT hoàn toàn đủ nguồn lực để mua lại toàn bộ lượng cổ phần SCIC thoái vốn. Năm 2014 FPT đã từng bỏ ra 280 tỷ đồng để mua lại 4,33% quyền sở hữu tại FPT Telecom.

Tiềm năng tăng trưởng lớn khi gia tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom.
Hiện tại mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu 45,55% tại FPT Telecom tuy nhiên lợi nhuận mà công ty này mang lại cho FPT chiếm tới 35% lợi nhuận toàn tập đoàn. Nắm quyền chi phối tại FPT Telecom sẽ tăng khả năng quản trị cũng như tăng khả năng thống nhất về chiến lược kinh doanh của công ty, bởi hơn ai hết FPT là người hiểu rõ nhất về FPT Telecom. Chúng tôi cho rằng FPT Telecom còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, khi mà dự án quang hóa đã sắp hoàn thành đồng thời chi phí khấu hao phân bổ cũng đã hoàn thành hơn 1 nửa, chi phí khấu hao giảm dần cũng là lúc lợi nhuận từ cáp quang tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng internet cáp quang của FPT Telecom cũng đạt mức nhanh nhất trong top 3 thị phần cáp quang ở Việt Nam, một đất nước đang phát triển và còn nhiều dư địa tăng trưởng cho thị trường internet.

KQKD 2016 sẽ không có nhiều chuyển biến 

Viễn thông doanh thu tăng trưởng tốt tuy nhiên lợi nhuận sẽ giảm nhẹ do khấu hao dự án quang hóa.
Dịch vụ cáp quang vẫn là động lực tăng trưởng chính của mảng viễn thông. Xu hướng dịch chuyển từ cáp đồng sang cáp quang là xu thế chung của toàn cầu và đã được các nhà mạng lớn dự liệu từ trước. Đón đầu xu thế, FPT đã chủ động chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành lớn khác và đạt mức tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2014 FPT mới chiếm 6% thị phần thì sang năm 2015 con số ghi nhận là 25,4%. Tính đến tháng 6/2016, số lượng thuê bao cáp quang của FPT tăng tới 1.900% so với 2014 trong khi mức tăng của VNPT và Viettel lần lượt là 441% và 314%. Mức tăng trưởng mạnh này ngoài việc đến từ thuê bao cáp quang mới còn đến từ việc các thuê bao cáp đồng phải chuyển sang sử dụng cáp quang do FPT không còn cung cấp dịch vụ cáp đồng. Doanh thu từ dịch vụ viễn thông của FPT đạt mức tăng trưởng 31% trong năm 2015 và 26% trong nửa đầu 2016 chủ yếu đến từ tăng trưởng của dịch vụ cáp quang.
Nguồn thông tin: Vnta
FPT đang sở hữu thị phần 25.4% cáp quang toàn quốc

Do áp dụng khấu hao nhanh, chi phí khấu hao đầu tư cáp quang tại Hà Nội và Hồ Chí Minh đã được ghi nhận hết trong tháng 7/2016. Dự án nâng cấp cáp quang tại một số tỉnh thành lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Cần thơ cũng đã hoàn thành và FPT sẽ tiếp tục triển khai tại các tỉnh thành lớn khác. Chi phí đầu tư trong năm nay khá cao, ở mức 1.802 tỷ đồng, tăng 21% yoy, cùng với khoản chi phí bắt buộc vào Quỹ Viễn thông Công ích Việt Nam 1,5% doanh thu sẽ khiến lợi nhuận của lĩnh vực viễn thông có thể giảm nhẹ trong năm nay mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng tốt nhờ tăng trưởng của dịch vụ cáp quang. Mảng dịch vụ viễn thông của FPT trong năm 2016 chúng tôi ước tính doanh thu có thể đạt 6.386 tỷ đồng, tăng trưởng 25% yoy, LNTT có thể đạt 790 tỷ đồng, giảm 10% yoy.

Nội dung số đạt tăng trưởng ấn tượng.
 Mảng nội dung số nếu loại trừ khoản lợi nhuận tài chính bất thường 10 tỷ đồng từ việc bán lại một lượng cổ phẩn tại FPT Online cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tương 44% LNTT trong 6 tháng đầu năm. Mô hình thu gọn, chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là quảng cáo và truyền thông đã mang lại nhiều đột phá cho FPT trong mảng nội dung số. Vnexpress đã phá nhiều kỷ lục về số lượng người truy cập, trở thành trang báo có lượng nội dung, bình luận độc giả đóng góp lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó chúng tôi kỳ vọng FPT sẽ có những bước tiến mới khi hợp tác với các mạng quảng cáo số như Google, mở ra khả năng tăng doanh thu từ thị trường quốc tế cũng như thị trường quảng cáo trên mobile. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và LNTT mảng nội dung số của FPT có thể đạt 491 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 31% và 28%.

Các thị trường xuất khẩu phần mềm trọng điểm đều tăng trưởng tốt.
Thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu phần mềm của FPT. Năm 2016, ngoài tăng trưởng từ hoạt động gia công phần mềm cho thị trường này theo chúng tôi ước tính vào khoảng 27%, việc đồng JPY tăng giá mạnh so với VND cũng sẽ khiến kết quả kinh doanh tại thị trường Nhật Bản được hỗ trợ mạnh. Giá trị đồng JPY so với VND hiện tại đã tăng 17% so với thời điểm đầu năm, theo đó hoạt động xuất khẩu phần mềm tại thị trường Nhật Bản có thể đạt mức tăng trưởng 48% trong năm 2016.
 



Thị trường xuất khẩu phần mềm trọng điểm đều tăng trưởng.

Ở thị trường Mỹ, FPT đang đầu tư cho các giải pháp trên các nền tảng công nghệ mới như S.M.A.C/IoT để cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn. Tăng trưởng có thể tiếp tục duy trì ở mức cao 35% trong năm 2016. Với chiên lược M&A, thị trường châu Âu hiện đang trong giai đoạn tối ưu hóa nguồn lực theo hướng sử dụng nhiều nguồn lực tại Việt Nam, tăng trưởng có thể chậm đi so với năm 2015 và đạt 38%. Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương chúng tôi ước tính có thể tăng trưởng chậm lại và đạt mức 25% trong năm 2016. Như vậy mảng xuất khẩu phần mềm của FPT có thể đạt 5.745 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 40% yoy trong năm 2016. Tỷ suất LNTT có thể đạt 15%, giảm nhẹ 0,5% so với năm 2015 do FPT tiếp tục tăng cường đầu tư mở rộng quy mô nguồn lực và đội ngũ bán hàng, theo đó LNTT mảng xuất khẩu phần mềm có thể đạt 861 tỷ đồng, tăng 35,8% yoy.

Mảng phân phối bị thiệt hại nặng do chính sách bán hàng của Apple thay đổi.
Doanh thu phân phối suy giảm mạnh trong nửa đầu năm do một số chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam như Thegioididong, FPT Shop, Vienthong A,.. bắt đầu được nhập khẩu trực tiếp iPhone từ tháng 9/2015 và không còn thông qua FPT Trading khiến FPT bị hụt mất một khoản doanh thu lớn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của mảng phân phối từ cuối năm 2015 đến nay. Ngoài ra doanh thu phân phối các dòng điện thoại của Microsoft cũng bị giảm mạnh do hãng này không ra mắt nhiều sản phẩm mới. Với chính sách bán hàng của Apple như hiện tại, mảng phân phối của FPT sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2016. Chúng tôi cho rằng doanh thu phân phối của FPT có thể đạt 10.248 tỷ đồng, giảm 41% yoy, LNTT có thể đạt 306 tỷ đồng, giảm 44% yoy.
Mảng bán lẻ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt. Tính đến cuối tháng 7/2016, FPT Shop có 334 cửa hàng, vượt chỉ tiêu 34 cửa hàng so với kế hoạch và tăng 82 cửa hàng so với cuối 2015. Việc được nhập về trực tiếp iPhone cũng khiến biên lợi nhuận được cải thiện trong 6 tháng đầu năm. Kênh bán online hiện đã đóng góp 10% tổng doanh thu, tăng trưởng 60% yoy (trong năm 2015 tỷ trọng của doanh thu online là 7,42%). Nửa cuối năm cũng là thời điểm ra mắt iPhone 7 và iPhone 7 Plus với kiểu dáng cùng tính năng độc đáo được giới chuyên môn đánh giá cao, hứa hẹn sẽ được tiêu thụ mạnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, chúng tôi ước tính doanh thu bán lẻ của FPT có thể đạt 10.351 tỷ đồng, tăng trưởng 32% yoy, LNTT có thể đạt 246 tỷ đồng, tăng trưởng 37% yoy.
Lợi nhuận lĩnh vực giáo dục & đầu tư tăng mạnh. Hoạt động giáo dục đạt mức tăng trưởng tốt khi số lượng sinh viên nhập học trong 7 tháng đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ. Hoạt động đầu tư cũng rất hiệu quả khiến lợi nhuận từ hoạt động giáo dục & đầu tư tăng 109% trong nửa đầu năm. Chúng tôi cho rằng hoạt động giáo dục & đầu tư sẽ duy trì kết quả tốt trong nửa cuối năm, theo đó doanh thu giáo dục & đầu tư có thể đạt 744 tỷ đồng, tăng 6% yoy, LNTT từ hoạt động này có thể đạt 234 tỷ đồng, tăng 55% yoy.
Ước tính kết quả kinh doanh của tập đoàn FPT trong năm 2016
Tổng hợp các hoạt động của FPT, doanh thu 2016 của tập đoàn ước đạt 38.194 tỷ đồng, giảm 4,52% yoy, LNTT ước đạt 2.859 tỷ đồng, tăng 0,28% yoy. LNST công ty mẹ ước đạt 1.929 tỷ đồng tương ứng với EPS 4.198 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị đầu tư

Trong ngắn hạn 2016, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận của FPT không có sự tăng trưởng mạnh, EPS 2016 có thể đạt 4.198 đồng/CP tương ứng với mức P/E hiện đạt 10,7 lần, là một mức hấp dẫn với một cổ phiếu dẫn đầu ngành công nghệ. Việc đầu tư lớn vào nâng cấp hạ tầng viễn thông khiến trong ngắn hạn kết quả kinh doanh của mảng viễn thông cũng như toàn tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng tuy nhiên đó sẽ là bàn đạp để tăng tốc lợi nhuận trong những năm tới.
Ngoài ra còn 2 yếu tố khác tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu FPT trong thời gian tới đó là thương vụ thoái vốn tại mảng phân phối bán lẻ trong năm nay và khả năng tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom trong năm sau. Đây là động thái cho thấy FPT đang có ý định tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, chúng tôi cho rằng đây là những chiến lược đúng đắn và sẽ có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của tập đoàn trong dài hạn. Do vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT với mức giá kỳ vọng là 54.000 đồng/CP.
(Nguồn BVSC; Nguyến Tiến Dũng)